Một trong những chỉ tiêu chúng ta thường xuyên nghe thấy khi đánh giá tính chất nguồn nước sinh hoạt chính là chỉ số TDS. Vậy thực chất chỉ số TDS là gì? Bạn đã hiểu hết về chỉ số TDS chưa? Sử dụng chỉ số TDS để đánh giá chất lượng nguồn nước có chính xác không?
Nội dung chính
Tất tần tật từ A – Z về TDS
1. TDS là gì
TDS có tên tiếng Anh là Total Dissolved Solids hay còn gọi là “Tổng chất rắn hòa tan”. Là một đơn vị đo lường hàm lượng kết hợp của tất cả các chất vô cơ và chất hữu cơ chứa trong chất lỏng dạng phân tử, ion hóa hoặc vi hạt. Hay nói một cách chi tiết và dễ hiểu hơn đó chính là tổng chất rắn hòa tan phải nhỏ, rất nhỏ để có thể đi qua một bộ lọc với những lỗ nhỏ cỡ 2 micromet.
Thành phần chủ yếu của tổng chất rắn hòa tan thường là cation canxi, magie, natri, kali và các anion carbonate, clorua, sunfat. Chỉ số TDS được đo lường bằng đơn vị mg/l (miligrams/liter) hoặc ppm (part/million).
2. Đo lường TDS trong nước
Có hai phương pháp để đo lường chất rắn hòa tan trong nước là phân tích trọng lượng và độ dẫn điện.
Phương pháp phân tích trọng lượng có độ chính xác và liên quan đến việc bốc hơi dung môi lỏng và đo khối lượng dư lượng. Phương pháp này tốt nhưng lại tốn khá nhiều thời gian.
Phương pháp đo độ dẫn điện của nước liên quan trực tiếp đến nồng độ các chất rắn ion hòa hòa tan trong nước, có thể được đo bằng một máy đo dẫn truyền thống hoặc TDS meter. Phương pháp này tương đối đơn giản mà lại nhanh và cho kết quả chính xác.
Có phải cứ TDS cao là nước nhiễm bẩn?
Nhiều người vẫn có suy nghĩ lấy chỉ số TDS để đo chất lượng nguồn nước. Điều này có thực sự đúng không? heo quy định và khuyến cáo của các tổ chức như WHO, EPA, US thì chỉ số TDS trong nước không được vượt quá 500mg/l đối với nước ăn uống và không vượt quá 1000mg/l đối với nước sinh hoạt.
Nếu chỉ số TDS thấp thì có nghĩa là nước sạch nhưng điều ngược lại thì lại không đúng. Nước có TDS càng nhỏ là nước càng tinh khiết, điều này cũng đồng nghĩa với việc nước không còn khoáng chất. Nước có TDS cao chưa chắc đã là nước bẩn vì nó có thể do chứa nhiều ion có lợi cho sức khỏe.
Ví dụ chỉ số TDS như sau:
+ Chỉ số TDS từ 3 – 5 ppm nghĩa là nguồn nước sạch, gần bằng nước tinh khiết. Nhưng nếu bạn sử dụng nguồn nước này thường xuyên và trong một thời gian dài thì nó không tốt cho sức khỏe, vì nguồn nước bị mất đi hàm lượng khoáng và ion tốt.
+ Chỉ số TDS= 175 ppm nhưng không chứa các thành phần chất ô nhiễm mà chứa các loại khoáng chất có lợi như Canxi, Magie, Natri, Sắt…. thì nước đó rất tốt cho cơ thể vậy nên suy nghĩ nước có TDS cao là nước nhiễm bẩn là hoàn toàn sai lầm.
TDS không xác định được các thành phần cũng như nồng độ các chất có trong nước. Do đó, sử dụng chỉ số TDS không xác định được nước sạch hay bẩn. Mà muốn biết chính xác, bạn cần mang mẫu nước đến các trung tâm, cơ sở xét nghiệm nước uy tín để kiểm tra.
Thực tế, người ta chỉ sử dụng chỉ số TDS với nước tinh khiết chứ không dùng với nước khoáng. Bởi đối với nước khoáng thì chỉ số TDS không giới hạn.
Như vậy chỉ số TDS không quyết định đến chất lượng nguồn nước. Mà để biết chính xác được tính chất nguồn nước, chúng ta cần mang mẫu nước đi xét nghiệm ở những trung tâm, cơ sở xét nghiệm nước uy tín.