Hàng loạt những lo sợ của người dân về hậu quả của Thủy ngân sau vụ cháy nhà kho Phích nước Rạng Đông tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chuyengianuoc ngày hôm nay sẽ giúp bạn tìm hiểu những bí mật chưa ai nói cho bạn về thủy ngân là gì? cũng như hậu quả thủy ngân gây ra?
Thủy ngân là gì?
Thủy ngân trong môi trường do các nguồn tự nhiên trong quặng, trong đất, nước, sinh vật và do nguồn phát thải từ các hoạt động của con người. Thủy ngân có thể ở dạng kim loại, thủy ngân vô cơ, thủy ngân hữu cơ.
Các dạng phổ biến trong tự nhiên là thủy ngân kim loại, thủy ngân sulfua, thủy ngân clorua, và metyl thủy ngân. Các dạng có thể chuyển hóa qua nhau thông qua hoạt động của một số vi sinh vật và các quá trình tự nhiên.
Ngày nay nhiều quá trình sản xuất sử dụng thủy ngân như: sản xuất khí clo và soda, chiết xuất vàng từ quặng hoặc các sản phẩm có chứa vàng, chế tạo nhiệt kế, pin, thiết bị chuyển mạch điện, một số thiết bị đo, sử dụng trong y tế,…
Nguồn thủy ngân sử dụng cho các hoạt động của con người được khai thác từ các loại quặng chứa thủy ngân. Trong không khí, thuỷ ngân tồn tại dạng hơi nguyên tố hoặc metyl thuỷ ngân cũng như dạng liên kết với các hạt lơ lửng. Trong nước biển và đất liền, thuỷ ngân vô cơ bị metyl hoá thành các dạng metyl thuỷ ngân và được tích luỹ vào động vật. Một phần thuỷ ngân này liên kết với lưu huỳnh tạo thành kết tủa thuỷ ngân sunfua trong trầm tích. Ngoài ra, một số loài thực vật còn có khả năng tích luỹ thuỷ ngân ở dạng ít độc tính hơn như những giọt thuỷ ngân nguyên tố hoặc là thuỷ ngân sunfua.
Các hợp chất của thuỷ ngân trong nước tự nhiên dễ bị khử hoặc bị bay hơi nên hàm lượng của thuỷ ngân trong nước rất nhỏ. Nồng độ của thuỷ ngân trong nước ngầm, nước mặt thấp thường nhỏ hơn 0,5 mg/l. Trong môi trường nước giàu oxi, thuỷ ngân tồn tại chủ yếu dạng hoá trị 2.
Hậu quả thủy ngân – đừng coi thường
Thủy ngân nguyên tố ở dạng hơi có độc tính cao hơn so với thủy ngân dạng lỏng. Thủy ngân lỏng có thể bay hơi gây độc cho các cơ quan phổi và thần kinh. Nhiễm độc cấp tính hơi thủy ngân sẽ gây ra các triệu chứng phổ biến như viêm dạ dày, ruột non cấp tính, viêm miệng và viêm kết tràng, loét, xuất huyết, nôn, tiết nhiều nước bọt; vô niệu với sự tăng ure huyết hoặc gây dị ứng da. Trong trường hợp nhiễm độc nặng có thể gây hoại tử các ống dẫn của thận, gây kích thích dẫn đến viêm phổi hoặc nghẽn động mạch phổi, hoại tử cơ tim diện rộng. Trong các trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Nhiễm độc bán cấp tính là trường hợp nhiễm độc thường xảy ra trong một số hoạt động công nghiệp như cọ rửa, vệ sinh ống khói các lò xử lý quặng Hg hoặc làm việc nơi có bầu không khí nhiễm Hg cao.
Đối với trường hợp này triệu chứng xuất hiện là nôn mửa tiêu chảy, ho, kích ứng phế quản, viêm loét miệng, đôi khi tăng anbumin. Sự nhiễm độc mãn tính hơi thủy ngân với nồng độ thấp kéo dài ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương. Hiện tượng nhiễm độc mãn tính xảy ra chủ yếu do con người phơi nhiễm hơi, bụi thủy ngân và hợp chất thủy ngân qua đường hô hấp, các hợp chất thủy ngân vô cơ, hữu cơ qua nước uống, thức ăn.
Triệu chứng của nhiễm độc mãn tính thủy ngân thường là người bị nhiễm độc có các biểu hiện: run người, tuyến giáp mở rộng tăng sự hấp thụ iot phóng xạ, mạch không ổn định, tim đập nhanh, viêm lợi, biến đổi máu hoặc tăng sự bài tiết thủy ngân trong nước tiểu. Khi nạn nhân phơi nhiễm trong thời gian dài hoặc liều lượng phơi nhiễm tăng hoặc cả hai, các triệu chứng trên sẽ rõ ràng hơn. Cụ thể là có sự run các cơ thực hiện các chức năng khéo léo như ngón tay, mí mắt, lưỡi, môi có thể tiến triển tới rung động toàn thân và co cứng chân tay.
Ngoài ra, nạn nhân có thể gặp các triệu chứng về mắt như biến màu thủy tinh thể. Sự phơi nhiễm mãn tính thủy ngân kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận trong cơ thể và suy kiệt đến tử vong. Các triệu chứng do nhiễm độc thủy ngân mãn tính cũng phụ thuộc vào nồng độ phơi nhiễm và thời gian tiếp xúc.
Theo một số nghiên cứu, ở nồng độ 0,01 mg/m3 gây ra các triệu chứng mất ngủ, ăn kém ngon, ở nồng độ 0,05mg/m3 có các triệu chứng không đặc hiệu, ở nồng độ từ 0,1 – 0,2 mg/m3 (tiếp xúc 8 giờ/ngày trong 250 ngày lao động/năm) hoặc ở nồng độ 1mg/m3 (phơi nhiễm thời gian ngắn hơn) sẽ gây run rẩy. Thời gian bán hủy sinh học của thủy ngân trong cơ thể được ước tính khoảng 30 đến 60 ngày và thủy ngân nguyên tố được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu và phân.
Các hợp chất thủy ngân vô cơ đã được sử dụng trong một loạt các sản phẩm của các lĩnh vực y tế, mỹ phẩm, khử trùng, nha khoa … Các muối thủy
ngân dạng vô cơ thường xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng.
Liều lượng phơi nhiễm thủy ngân clorua (HgCl2) với người như sau:
– Từ 1g trở lên, một lần: Gây nhiễm độc siêu cấp, chết nhanh.
– Từ 150 đến 200 mg, một lần: Gây nhiễm độc cấp tính và thường gây chết.
– Từ 0,5 đến 1,4mg, hàng ngày: Gây nhiễm độc mãn tính.
– Từ 0,007 mg trong 24 giờ có thể gây nhiễm độc với người kém sức chịu đựng.
– Riêng với thủy ngân xianua (Hg(CN)2), uống 0,13 g có thể chết sau 9 ngày.
Thủy ngân vô cơ tích tụ chủ yếu ở thận và tiếp theo là trong gan, các cơ quan chủ yếu bị ảnh hưởng sau khi ngộ độc cấp tính của thủy ngân vô cơ là ruột và thận. Trong ruột những ảnh hưởng trực tiếp đến màng ruột sẽ chiếm ưu thế trong khi suy thận có thể xảy ra trong vòng 24 giờ do gây hoại tử ống biểu mô. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của thủy ngân vô cơ là hoại tử ống trong thận và sau khi tiếp xúc kéo dài có thể bị viêm cầu thận. Thủy ngân vô cơ cũng có thể gây ra các tác động với hệ miễn dịch.
Muối thủy ngân vô cơ không tan trong lipid, do đó phơi nhiễm vào cơ thể qua máu vào não hoặc qua nhau thai, máu vào thai nhi. Muối thủy ngân vô cơ chủ yếu được bài tiết qua nước tiểu và phân, tỷ lệ bài tiết phụ thuộc vào hàm lượng chất có trong cơ thể, bài tiết nhanh ban đầu và sau đó là bài tiết chậm. Liều gây tử vong cấp tính đối với hầu hết các hợp chất thủy ngân vô cơ đối với người trưởng thành là 1 – 4 gam cho một liều phơi nhiễm hoặc 14 – 57 mg/kg trọng lượng cơ thể với người 70 kg.
Trong môi trường, thủy ngân hữu cơ tồn tại chủ yếu ở dạng metyl thủy ngân. Khác với thủy ngân vô cơ, metyl thủy ngân có khả năng thấm qua màng tế bào, tích lũy trong các mô giàu lipit của cơ thể sinh vật, hệ số tích lũy sinh học cao và dễ tích tụ trong cơ thể sinh vật, mẫu môi trường với thời gian dài. Do vậy, metyl thủy ngân được xếp vào nhóm các chất có độc tính cao.
Đối với các động vật có vú, ở liều thấp metyl thủy ngân là chất gây tác động đến hệ thần kinh, ở các liều cao sẽ có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thận và tim mạch. Những biểu hiện lâm sàng của ảnh hưởng thần kinh thường theo thứ tự: sa sút trí tuệ, cảm giác tê cứng và khó chịu xung quanh miệng, môi và chân tay, đặc biệt là các ngón chân, ngón tay; mất khả năng vận động, vụng về, dáng đi loạng choạng, khó khăn khi nuốt, cảm giác chung là yếu, mệt và thiếu tập trung; giảm khả năng nhìn và nghe; co thắt bụng và có thể hôn mê dẫn đến tử vong.
Người ta ước tính rằng liều gây chết tối thiểu của metyl thủy ngân cho một người 70 kg dao động từ 20 đến 60 mg/kg trọng lượng cơ thể. Thời gian bán hủy sinh học của metyl thủy ngân trong cơ thể người khoảng 70 ngày dài hơn so với Hg0 và muối Hg2+.
Hi vọng với những thông tin đầy đủ, chi tiết về Thủy ngân của chúng tôi, sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe chính bản thân va gia đình.
KHÔNG CÓ LÝ DO GÌ BẠN LẠI TỪ CHỐI THÔNG TIN HỮU ÍCH NÀY – HÃY SHARE CHO NGƯỜI THÂN CÙNG BIẾT
Xem thêm:
- Máy lọc nước loại nào tốt? Kinh nghiệm mua máy lọc nước từ chuyên gia